Worker's Resort

STYLE

SHARE

【Phỏng vấn Ông Primo Orpilla – Phần 1】 Lắng nghe người đứng đầu của Studio O+A nói về khởi điểm của thiết kế văn phòng phong cách Bờ biển Tây.

[June 28, 2017] BY Kazumasa Ikoma

Nhân viên nhận biết nơi mình muốn làm việc bằng trực cảm.
Thiết kế văn phòng chính là mang lại không gian có thể hỗ trợ cho trực cảm ấy

Thiết kế văn phòng theo phong cách Bờ biển Tây – phong cách hiện đang được ưa chuộng trên thế giới – được rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tại khu vực vịnh San Francisco lựa chọn. Một trong số đó phải kể đến Studio O+A. Studio O+A đảm nhiệm thiết kế văn phòng của những doanh nghiệp như Facebook, Microsoft, Nike, Cisco, Yelp, Uber v.v.. và năm ngoái đã được trao giải thưởng Cooper-Hewitt Nation Design Award – giải thưởng trao cho thiết kế có ảnh hưởng lớn nhất trên toàn nước Mĩ – cho hạng mục thiết kế nội thất.

Lần này chúng tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn với ông Primo Orpilla nguyên là người đứng đầu tại Studio O+A. Không chỉ tham gia thiết kế văn phòng, ông cũng tham gia vào thiết kế sản phẩm.

Tại phòng họp lưu động – một trong số những tác phẩm của ông –  chúng tôi được lắng nghe cảm nhận của ông về phong cách Bờ biển Tây và chúng tôi xin phép chia nội dung cuộc nói chuyện thành ba phần.

Ở bài viết thứ nhất này, cùng với những chia sẻ về hành trình trở thành nhà thiết kế văn phòng của ông Primo, chúng ta cũng biết thêm làm thế nào mà văn phòng tại Bờ biển Tây trở thành địa điểm kiến tạo những phong cách làm việc đa dạng.

Văn hóa Bờ biển Tây và sự phát triển thiết kế văn phòng

Khu vực vịnh là nơi vô cùng đặc biệt đối với sự phát triển của thiết kế văn phòng. Một tổ hợp nhỏ bé cô đọng, từ thung lũng Silicon đến San Franciso chỉ cách nhau chưa đầy 50 dặm. Ở đó tập trung những nhà khởi nghiệp trẻ tuổi có cùng tư chất từ khắp nơi trên thế giới, có thể tận mắt nhìn thấy họ liên tục tìm ra những hướng đi tốt hơn sau những thử nghiệm thất bại, họ sắp xếp điều chỉnh môi trường làm việc song song với từng bước phát triển của doanh nghiệp của mình.

Đối với khu vực vịnh, trong một môi trường như thế này, “thế nào là thiết kế tốt” “thiết kế như thế nào để tạo ảnh hưởng lớn hơn đến mọi người”, những câu hỏi này dần được làm sáng tỏ khi khai thác thông tin từ nhiều doanh nghiệp. Điều truyền cảm hứng cho O+A chính là sự nỗ lực của các doanh nghiệp để làm sao thể hiện văn hóa và đường lối của doanh nghiệp thông qua văn phòng.

Văn phòng Yelp hoàn thành năm 2012. Lấy chủ đề “cửa hàng bách hóa”, một phần thiết kế dành bày biện những món hàng như đồ ngọt, mang đến sự vui tươi nhẹ nhõm.

Việc loại bỏ tư tưởng phân cấp bậc, tạo nên một “não bộ tập trung”

Từ khi thành lập công ty này 25 năm trước đến nay, nếu nói về đột phá lớn trong thiết kế văn phòng thì có lẽ chính là xóa bỏ sự phân cấp bậc trong công ty đã tồn tại cho đến tận bây giờ. Nếu như những người quản lý trước đây bị bao quanh bởi bốn bức tường dày đặc, co mình trong phòng riêng, thì nay thông qua thiết kế văn phòng mở có thể làm việc ở bất cứ đâu trong văn phòng. Văn phòng trở thành không gian mang tính tập trung, nơi mọi người hoạt động nhiều hơn, cùng với đó những ý tưởng cải tiến có thể được nảy sinh bất cứ đâu.

Tổ chức mà tại đó lãnh đạo và các bộ phận tách thành các phòng riêng do sự ăn sâu bám rễ của ý thức phân cấp bậc thì tốc độ nảy sinh ý tưởng cũng có xu hướng bị chậm lại. Nếu nghĩ rằng mọi thứ luôn phải thông qua lần lượt cấp quản lý rồi giám đốc thì tôi nghĩ tình trạng đó là không tránh khỏi.

Dễ hiểu khi những doanh nghiệp ở khu vực vịnh – nơi luôn hoan nghênh những ý tưởng mới – đã xóa bỏ những điều này. Đông đảo mọi người cùng tham gia tranh luận sôi nổi tạo nên một não bộ tập trung. Tóm lại không phải chỉ mỗi một mình lãnh đạo suy nghĩ, mà nếu cả 70 cái đầu cùng chụm lại suy nghĩ thì sẽ có nhiều hơn nữa những ý tưởng mới được nảy sinh. Cũng như vậy, việc các thế hệ kết hợp với nhau cũng rất quan trọng.

Tại văn phòng của Yelp, những cuộc nói chuyện có thể nảy sinh ở bất kỳ địa điểm nào.

Văn phòng dễ dàng chia sẻ ý tưởng sẽ làm công ty tràn đầy năng lượng

Cũng giống như câu nói “Để học được trước tiên hãy thất bại” (Fail first to learn). Phương châm chúng tôi hướng đến là cung cấp cho nhân viên môi trường dễ dàng thử nghiệm những ý tưởng mới. Dù là những ý tưởng có khả năng thất bại đi nữa thì với việc khuyến khích những ý tưởng mới đại loại như “thật tốt khi bạn đã đưa ra ý tưởng này” sẽ làm tăng thêm động lực cho nhân viên. Nó thật sự đúng với bản sắc của khu vực vịnh.

Nhiều doanh nghiệp khác, những ý tưởng của nhân viên vẫn bị kiểm soát bởi cấp trên, không dễ gì có được cơ hội chia sẻ với những người lãnh đạo. Nhưng ở khu vực vịnh thì hoàn toàn ngược lại, lãnh đạo cũng như cấp trên luôn kỳ vọng nhân viên sẽ tích cực chia sẻ ý tưởng hơn nữa. Và khi đó, những vấn đề không còn bị tồn lại, tự thân nhân viên cảm thấy muốn cống hiến hơn cho doanh nghiệp.

Điều O+A chúng tôi có thể làm là sắp xếp một môi trường như thế, tạo nên một môi trường nuôi dưỡng cho bộ não tập thể mà chúng tôi gọi là “tư duy theo cộng đồng”

Văn phòng không phải là nơi chỉ để làm việc

Ý định trở thành nhà thiết kế văn phòng bắt nguồn khi tôi đi xem rất nhiều văn phòng được thiết kế mà không có sự tính toán sâu sắc. Và tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với điều đó.

Người Mĩ chúng tôi cũng giống như người Nhật, trong suốt một thời gian dài đã làm việc dưới sự chi phối của tư tưởng cấp bậc, quan hệ cấp trên cấp dưới rất rõ ràng. Tuy nhiên, cấu trúc tổ chức tại nơi làm việc ấy hoàn toàn là sản phẩm của môi trường. Ở nơi làm việc ấy, người ta vẫn có thể tận dụng thời gian để xây dựng mối quan hệ bạn bè ngoài công việc hay ăn uống chẳng hạn. Và rồi tôi đã nghĩ rằng “Sao không biến nơi đây thành địa điểm tuyệt vời nhất”.

Tôi nghĩ một địa điểm mà ở đó người ta có thể làm được nhiều điều ngoài công việc, thì nghiễm nhiên họ sẽ muốn ở lại đó. Việc xây dựng một môi trường như thế là điều cần thiết. Tôi không muốn xây dựng một môi trường mà ở đó nhân viên chỉ chăm chăm nhìn vào đồng hồ “5 giờ rồi, rời khỏi văn phòng thôi.”

Đây là văn phòng Evernote tôi đã phụ trách vào năm 2012. Quầy lễ tân trở thành không gian nhẹ nhõm có thể thưởng thức cà phê, bánh donut.

Văn phòng là nơi trở về với chính mình

Cuộc sống của chúng ta đang tràn ngập bởi công nghệ, nhưng chưa hẳn công nghệ sẽ giúp tạo ra một môi trường thoải mái. Thực tế, khi đắm chìm vào trong công nghệ thì chúng ta dần không còn muốn trò chuyện với ai nữa. Cần thiết phải liên lạc với ai cũng chỉ dừng lại ở liên lạc bằng email, chứ cũng không muốn nhấc điện thoại lên để liên lạc. Giao lưu giữa người với người cứ thế giảm dần.

Trước kia, có lần tại Khu phố Hàn ở Los Angeles tôi trông thấy cảnh những thanh niên trẻ chăm chăm vào điện thoại dù mục đích ban đầu là ra ngoài ăn uống thư giãn cùng bạn bè. Vốn dĩ ý nghĩa của việc ăn uống cùng với bạn bè là cơ hội để giao lưu hay nói cách khác là hoạt động giao tiếp xã hội. Thế nhưng, trước mắt tôi lại là hình ảnh những con người đắm chìm vào điện thoại thông minh.

Ở đây không chỉ nói riêng đến tầng lớp các bạn trẻ, nó xảy ra với tất cả mọi tầng lớp. Và câu chuyện cũng không chỉ giới hạn tại Los Angeles.

Tôi nghĩ rằng thiết kế văn phòng có thể giúp người làm việc trở về với đúng bản chất của mình. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra không gian tươi đẹp của ngày xưa, không gian khi công nghệ chưa có mặt. Nếu chúng ta đặt điện thoại thông minh xuống một lúc và trò chuyện với nhau, chúng ta sẽ biết thêm nhiều hơn về người đồng nghiệp đang cùng làm việc với mình. Không chỉ đơn giản là họ đang làm công việc gì, mà cả những câu chuyện khác nữa.

Công nghệ giúp nâng cao năng suất một cách đáng kể khiến chúng ta bị cuốn theo nó, và không còn thời gian cho riêng mình. Văn phòng là nơi giúp ta lấy lại khoảng thời gian ấy.

Văn phòng lý tưởng giống một trường học

Giai đoạn đi học chính là khoảng thời gian chúng ta tách khỏi công nghệ một cách tự nhiên.Tham gia các tiết học, kết thúc tiết học thì đặt sách giáo khoa và vở lại để đi cà phê hay đi bar uống bia hay cocktail cùng bạn bè. Rồi gác lại việc học hành hay làm thêm để tận hưởng thời gian.

Khi thiết kế văn phòng, cuộc sống thời đi học đem lại cho tôi rất nhiều gợi ý về cuộc sống tại văn phòng. Thậm chí có thể ví văn phòng với khuôn viên trường học. Những người trẻ tuổi thế hệ Y (hay còn gọi là Millennials) – những người từ bây giờ sẽ tham gia vào đội ngũ lao động  – họ đều chỉ vừa mới tốt nghiệp cuộc sống sinh viên, chắc hẳn sẽ cảm thấy dễ chịu với không gian như thế này, kể cả khi không có công nghệ như điện thoại thông minh đi nữa họ vẫn cảm thấy thoải mái. Kết quả cho thấy đó là không gian hấp dẫn đối với họ.

Dự án Microsoft Building 4 tại Redmond Bang Washington được thiết kế vào năm 2011. Ở đây có góc làm việc dành cho cá nhân giống thư viện trong khuôn viên trường học, có khu vực họp, khu vực giải trí.

Những không gian đa dạng thời sinh viên từng sử dụng được đưa vào nơi làm việc và biến thành những không gian thực sự thiết thực. Vì sao tại những không gian như thế này, mọi người có thể làm việc tại bất kỳ đâu. Khi muốn đến nơi có người tập trung qua lại thì có thể lựa chọn khu cà phê, nếu muốn nơi yên tĩnh thì có thể đến thư viện, còn lúc muốn một mình thảnh thơi với thiên nhiên thì có thể đến công viên. Có thể là những không gian hoàn toàn khác với những ví dụ nêu trên đây nữa, bằng trực cảm mỗi chúng ta sẽ biết được đâu là nơi giúp chúng ta làm việc hiệu quả nhất.

Và như thế, tôi gọi việc mỗi người có một số nơi phù hợp nhất định lựa chọn theo trực cảm là phạm vi phân bổ không gian, nơi làm việc sẽ phải là nơi được chuẩn bị để hỗ trợ cho trực cảm này.

Xin hãy nhớ lại. Bạn không chỉ học ở trong phòng học hay phòng của mình mà còn học ở trong khuôn viên trường, và với những lý do khác nhau. Tuy không biết lý do rõ ràng, có thể là vì muốn học với bạn bè, có thể là vì muốn ở một mình để tập trung, có thể là muốn ngồi học một mình trong không gian quán ăn tự phục vụ nơi có nhiều người và giữa những cuộc trò chuyện sôi nổi. Hay rất nhiều trường hợp đơn giản chỉ là muốn ở chỗ nào có người.

Dự án Ace Hotel ở New York. Mặc dù là sảnh của khách sạn, nhưng rất nhiều người trẻ tuổi ghé qua để làm công việc cá nhân.

Đó cũng là lý do vì sao Ace Hotel ở New York và Luân Đôn lại được giới trẻ ưa chuộng. Ở sảnh có bàn dài có đèn lớn, những người trẻ cùng sổ hay máy tính tập trung tại đó nhưng không ai trò chuyện với ai. Chỉ đơn giản họ muốn ở nơi có người tập trung. Rồi gọi một đồ uống nào đó và tập trung vào công việc của mình. Thế nên những người hướng nội hay người hướng ngoại đều có thể tập trung tại cùng một nơi.

Xung quanh chúng ta có những người với những cách làm việc khác nhau. Và sở thích của họ cũng thay đổi theo từng hoàn cảnh. Thế nên chúng ta cần tạo cả những không gian cho họ.

(Xem tiếp Phần 2)

 

Người đóng góp

Kazumasa IkomaPhụ trách nghiên cứu tại Frontier Consulting. Dựa trên kinh nghiệm trong khoảng thời gian đảm nhiệm vai trò quản lý văn phòng tại San Francisco, anh tiến hành nghiên cứu về thiết kế văn phòng, văn hoá doanh nghiệp, phong cách làm việc tại Bờ biển Tây, và giới thiệu về hình thái văn phòng lấy con người làm trung tâm.